Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      MỘT SỐ HƯỚNG DẪN VỀ ĂN DẶM

      Trang Chủ » Tin mới » MỘT SỐ HƯỚNG DẪN VỀ ĂN DẶM

      Tác giả: Admin28/02/2020

      ( BS LƯU HỒNG VÂN- Phòng khám Nhi khoa Sunshine )

       

       

      KHI NÀO BÉ ĂN DẶM ĐƯỢC? Trong các tháng đầu đời, sữa mẹ và sữa công thức cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho bé. Hơn nữa, trước 4 tháng tuổi, bé chưa có được kỹ năng nuốt thức ăn một cách an toàn, và đường tiêu hóa chưa sẵn sàng cho việc ăn dặm. Từ 4 đến 6 tháng tuổi, bé của bạn có thể bắt đầu ăn dặm, miễn là BÉ CÓ DẤU HIỆU SẴN SÀNG.

       

      CÁC DẤU HIỆU SẴN SÀNG CHO VIỆC ĂN DẶM: các thiên thần nhỏ sẽ biểu hiện một số dấu hiệu để mẹ nhận thấy em đã sẵn sàng “ăn thêm món khác ngoài sữa”:

      • Kiểm soát đầu vững chắc, tư thế thẳng đứng.
      • Ngồi giỏi, vững vàng trên ghế ăn dặm khi được hỗ trợ.
      • Mất “phản xạ đấy thức ăn ra khỏi miệng”: bé có khả năng đưa được thức ăn về phía sau thành họng và nuốt, chứng tỏ là lưỡi và miệng bé có sự phát triển đồng bộ với hệ tiêu hóa, thay vì đưa lưỡi ra trước đẩy thức ăn ra ngoài.
      • Cân nặng: khi cân nặng gấp đôi lúc sinh, ít nhất 6kg, và ít nhất 4 tháng tuổi
      • Thích thú với đồ ăn: bé có xu hướng nhìn theo thức ăn, với đòi đồ ăn, hay thậm chỉ mở miệng to khi bạn cho bé ăn.

      LOẠI THỨC ĂN NÀO CHO GIAI ĐOẠN KHỞI ĐẦU?

      Mỗi bé sẽ khác nhau! Không có cách nào là duy nhất và hoàn toàn đúng cho tất cả các bé. Do đó, hãy trò chuyện cùng bác sĩ của bé để có những lời khuyên hợp lý nhất. Thường các gia đình Mỹ chọn cho bé ăn ngũ cốc, nhưng chưa có bằng chứng y khoa nào cho thấy thức ăn này tốt hơn hay có lợi hơn cho sức khỏe so với các thức ăn khác.

      Cách truyền thống từ bao đời nay là đút cho bé ăn từng muỗng bột rồi đến cháo nghiền nhuyễn. Hầu hết bé có thể bắt đầu với thức ăn nghiền nhuyễn nhưng chỉ 1 loại thứ ăn, không pha trộn ( pureed single-ingredient food ), không thêm muối hay đường. Một số ba mẹ lại muốn cho bé ăn dặm theo kiểu “tự chỉ huy”. ( Với cách này, bạn cho bé ngồi lên ghế ăn dặm, để các loại thức ăn khác nhau đã được cắt nhỏ  và cho bé tự lựa chọn ăn món bé thích cũng như số lượng ăn bao nhiêu ).

      Đối với vài lần tập ăn đầu tiên, chỉ cần cho bé 1-2 muỗng nhỏ của bé với đầu muỗng mềm để tránh làm tổn thương nướu răng. Nếu bé có vẻ chưa sẵn sàng, hãy thử lại vào lần sau. Bắt đầu cho ăn 1 lần/ ngày khi bé không mệt, không đói, không quấy. Lúc đầu có thể bé không ăn nhiều, nhưng hãy cho bé thời gian để thích nghi. Một số bé cần “có thời gian thực hành” giữ thức ăn trong miệng và nuốt. Từ từ cho bé ăn nhiều hơn trong mỗi cử ăn và tăng số cử ăn trong ngày.

      Nếu bạn cho bé ăn các loại thức ăn đóng hộp sẵn, hãy múc ra ngoài một lượng nhỏ và cho bé ăn trong chén hay đĩa của bé, không nên đưa muỗng vào trong hộp vì làm vi khuẩn từ miệng bé vào bình. Hãy bỏ thức ăn thừa trong hộp sau 1-2 ngày đã mở nắp.

      Nếu bạn cho bé ăn ngũ cốc trước tiên, cho bé 1-2 muỗng nhỏ trước. Trộn với sữa mẹ hay sữa công thức. Ban đầu hãy cho ăn rất lỏng, đến khi bé quen dần thì cho bé ăn đặc hơn bằng cách giảm lượng sữa pha vào và tăng lương ngũ cốc lên.

      Nếu bé bú mẹ, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo cho bé ăn thịt trước tiên, vì lượng sắt trong thịt bò, thịt gà giúp cung cấp nguồn sắt dự trữ đang dần cạn kiệt khi bé khoảng 6 tháng tuổi. Những thức ăn khác mẹ nên giới thiệu cho bé bao gồm: khoai lang, bí đỏ, táo, lê, đào, chuối…. nghiền nhuyễn.

      CHO BÉ ĂN MẤY CỬ TRONG NGÀY? Đầu tiên cho bé ăn 1 cử/ ngày. Khoảng 6-7 tháng tuổi, có thể tăng lên 2 cử. Khi bé được 8-9 tháng tuổi: có thể 3 cử một ngày. Một bữa ăn điển hình của bé 8 tháng tuổi bao gồm sữa mẹ hoặc sữa công thức có bổ sung chất sắt, ngũ cốc có tăng cường chất sắt, rau, trái cây, protein bao gồm trứng, sữa chua, phô mai, các loại thịt ( thịt gia cầm, thịt đỏ ), đậu hũ… Không nên cho bé nhỏ hơn 1 tuổi sử dụng mật ong vì nguy cơ ngộ độc.

      CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIẢM THIỂU NGUY CƠ DỊ ỨNG THỨC ĂN?

      Theo Viện Dị ứng, Hen và Miễn dịch Hoa Kỳ, việc bổ sung các thức ăn có khả năng gây dị ứng vào chế độ ăn dặm sớm trước khi bé được 1 tuổi KHÔNG LÀM TĂNG nguy cơ dị ứng.

      Hãy bắt đầu với những thức ăn truyền thống ( như ông bà khuyên bảo ) như ngũ cốc trẻ em có bổ sung chất sắt, rau củ nghiền nhuyễn, trái cây, thịt. Khi bé có dấu hiệu dung nạp tốt các thức ăn này, mẹ có thể cho bé thử một số món ăn có khả năng gây ra dị ứng như đậu nành, trứng, lúa mì, cá, các sản phẩm từ đậu phộng.

      Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý đặc biệt với một số bé có anh chị bị dị ứng đậu phộng, bé có chàm da từ mức độ trung bình đến nặng phải theo dõi và điều trị đặc biệt, bé có tiền căn dị ứng với một loại thức ăn nào đó trước đây, hoặc xét nghiệm máu bé có dị ứng rõ với một loại thức ăn nào đó. Ở những bé này, cần xin ý kiến của các BS nhi hoặc BS chuyên về dị ứng để có được một kế hoạch ăn dặm hoàn chỉnh.

      DẤU HIỆU BÉ BỊ DỊ ỨNG THỨC ĂN? Bạn sẽ thấy bé có triệu chứng trong vòng vài phút tới vài giờ sau đó. Hầu hết bé có triệu chứng ở mức độ nhẹ. Nếu bạn thấy bé có nổi mẫn da, mề đay, nôn ói, tiêu chảy, hãy hỏi ý kiến BS.

      Nếu bé có khò khè, khó thở, sưng nề vùng mặt ( bao gồm lưỡi và môi ), bé có thể đang gặp phản ứng phản vệ- một phản ứng đe dọa tính mạng, hãy cho bé đi cấp cứu ngay lập tức.

      DẤU HIỆU NÀO CHO THẤY LÀ BÉ ĐÃ NO? Bé sẽ có nhu cầu khác nhau cho những bữa ăn khác nhau. Vì vậy, việc bạn tính toán cụ thể và kỹ lưỡng về việc bé ăn bao nhiêu cho mỗi cử là không cần thiết. Hãy để ý những dấu hiệu sau: bé ngồi quay lưng lại với bàn ăn, bé quay mặt đi khi bạn đút đồ ăn, bé bắt đầu chơi nhiều hơn chứ không tập trung ăn nữa, bé không chịu há miệng ra nữa, thì nhiều khả năng là bé đã đủ no và bé không muốn ăn thêm nữa.

      CÓ TIẾP TỤC CHO BÉ BÚ MẸ HAY BÚ SỮA CÔNG THỨC KHÔNG? Sữa mẹ hay sữa công thức vẫn tiếp tục đóng vai trò chính trong việc cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho bé đến khi bé 1 tuổi. Ngoài ra, sữa còn có các vitamin, chất sắt, chất đạm ở dạng dễ hấp thu. Thức ăn thô chưa thể thay thế được sữa trong việc cung cấp chất dinh dưỡng trong năm đầu tiên.

      CÁC MẸO TRONG VIỆC TẬP CHO BÉ ĂN DẶM

      Cho bé ăn theo sở thích của bé: Thường thì ông bà sẽ có xu hướng cho bé ăn ngọt trước, sau đó mới chuyển sang ăn mặn. Tuy nhiên, nếu bé của bạn không phải là tín đồ của đồ ngọt thì bé sẽ không thích thú với việc ăn uống. Do đó, không cần phải theo bất kỳ nguyên tắc nào, hãy cho ăn nếu bé của bạn hợp tác.

      Chỉ cho bé ăn dặm bằng muỗng, không cho vào bình để bé ti vì nguy cơ sặc, nghẹn, hoặc bé tăng cân quá nhiều.

      Thức ăn đa dạng THEO BÉ: đừng vì bạn không ăn được món nào mà không cho bé ăn món đó.

      Cho bé thời gian làm quen với món mới: nếu bé tỏ ý không thích một loại thức ăn nào đó, đừng ép bé. Tập lại cho bé sau 1 tuần nữa. Mới đầu có thể bé rất ghét khoai lang, nhưng có khi vào một lúc nào đó bé lại rất thích.

      Biết nguy cơ hóc dị vật và không cho bé những loại thức ăn dễ có nguy cơ bị hóc  ( thức ăn có kích thước lớn, thức ăn tròn, trơn như nho, xúc xích, kẹo, bắp rang bơ, kẹo xốp marshmallow, các loại hạt.. ).

      Để ý triệu chứng táo bón. Phân có thể thay đổi khi bé mới ăn dặm. Nếu phân cứng, bé khó đi cầu, hãy báo BS biết. Bé có thể cần bổ sung thêm chất xơ từ trái cây, hoặc một lượng nhỏ nước ép mận, táo, lê cho đến khi bé đi cầu dễ dàng trở lại.