Bác sĩ nhi khoa Trần Công – Nhi Khoa Sunshine
Không có một đứa trẻ khỏe mạnh nào nhịn đói đến chết, trừ phi đó là những đứa trẻ có bệnh bẩm sinh nặng (bại não ..) hoặc mắc phải nặng. Bản năng sinh tồn của con người nếu không có năng lượng hay thức ăn nạp vào trong một khoảng thời gian dài lượng đường trong máu giảm xuống. Sẽ kích thích lên trung tâm đói ở não gây ra cảm giác đói cồn cào, điên cuồng và tìm mọi cách để nhét đồ ăn vào miệng kể cả việc phải ăn rễ cây, ăn lá rừng hay thậm chí ăn đất sét.
Vấn đề ở đây là người lớn chúng ta đang can thiệp quá mức, không để cho trẻ nhỏ phát triển một cách tự nhiên, trước khi chúng có cảm giác đói cha mẹ đã sợ chúng sẽ nhịn đến chết, điều đó không bao giờ xảy ra. Vì sợ hãi điều không bao giờ xảy ra đó cha mẹ sẵn sàng thỏa hiệp hay đầu hàng trước độ lì lợm của những đứa trẻ bằng cách đưa cho chúng những đồ ăn không lành mạnh hoặc những phương pháp ăn không lành mạnh, chẳng hạn một đứa trẻ 8-9 tuổi vẫn phải đút ăn từng bữa đó là một thói quen rất xấu được hình thành từ nhỏ, thói quen này làm trẻ mất đi nhiều kỹ năng quan trọng bao gồm kỹ năng nhai, nuốt, nếm thức ăn, cảm nhận mùi vị thức ăn và ảnh hưởng rất lớn đến dạ dày ruột của trẻ, Cũng như làm mất đi khả năng hình thành nhân cách quyết đoán độc lập của đứa trẻ.
Khi một đứa trẻ khỏe mạnh bị đói điều tất yếu chúng sẽ phải tìm thức ăn trong nhà, nếu chúng ta tàng trữ những thức ăn không lành mạnh chẳng hạn như nước ngọt, nước ép trái cây, bánh kẹo hoặc quá nhiều sữa chúng sẽ sử dụng những thức ăn đó để khỏa lấp đi cơn đói và thói quen lành mạnh không bao giờ thiết lập được. Vì vậy khi bạn quyết tâm để cho con đói bạn phải đảm bảo rằng bạn đã loại trừ hết ra khỏi căn nhà của mình những đồ ăn thức uống không lành mạnh, không tốt cho sức khỏe của trẻ, chẳng hạn không để quá nhiều sữa trong tủ lạnh khiến trẻ có thể uống suốt ngày, không để nước ép trái cây, bánh kẹo hay nước ngọt có ga trong nhà, cũng không cho phép người khác hoặc trẻ nhận đồ ăn từ người ngoài, không tạo điều kiện cho trẻ có thể cầm tiền đi mua đồ ăn vặt. Bạn hãy để những thức ăn lành mạnh như cơm, thịt, cá, trứng, sữa (theo lượng nhất định …. nói chung là những đồ ăn thường ngày sẵn sàng trong bếp, trên bàn ăn hay trong tủ thì đứa trẻ sẽ sử dụng những thức ăn đó.
Đối với một trẻ lớn tầm khoảng năm đến sáu tuổi trở đi bạn cần phải cho trẻ ngồi ăn chung với gia đình, tắt hết tivi và các phương tiện truyền thông ,bạn không nên đút trẻ mà chỉ nên khuyến khích trẻ ăn những thức ăn có trên bàn, bạn hãy coi trẻ là một thực thể độc lập và tôn trọng trẻ giống như một người lớn ,bạn không cần phải nhắc nhở trẻ quá nhiều mà hãy cùng với các thành viên khác tận hưởng bữa ăn của mình một cách trọn vẹn .nếu trẻ không ăn hãy để yên , bạn hãy ăn một cách thích thú và khen những món ăn rất ngon , bạn phải yêu cầu trẻ ngồi tại bàn ăn cho đến khi cha mẹ ăn xong , dù trẻ không ăn món gì cả , một vài lần như vậy trẻ chắc chắn sẽ ăn ít hoặc là nhiều . Khi đã kết thúc thời gian ăn tức là khi cha và mẹ đã ăn xong, bạn hãy dọn bàn ăn và dọn luôn phần ăn của trẻ .không nên để lại cho trẻ ngồi ngâm nga Thêm nữa. Một vài lần như vậy trẻ sẽ tự giác ngồi ăn .
Một điều quan trọng là khi bạn thả cho con bạn được phép tự do lựa chọn những thức ăn lành mạnh, được phép ăn bao nhiêu mà trẻ muốn sau một thời gian dài theo dõi bạn thấy rằng con bạn vẫn phát triển hoàn toàn bình thường về tất cả các chỉ số tăng trưởng cũng như là sự phát triển về mặt trí tuệ, lúc đó bạn sẽ ngỡ ngàng ra rằng: à thì ra bấy lâu nay mình đã tự tạo áp lực cho chính mình và cho đứa trẻ. Nếu như mình thả đứa trẻ ra mình cảm thấy thoải mái, con Cũng cảm thấy thoải mái và trẻ vẫn phát triển bình thường, hãy tin tôi.
Bạn cũng cần khắc ghi trong lòng rằng bạn chính là tấm gương để trẻ học theo, nếu như bản thân bạn cũng ăn uống thất thường, ăn đồ không lành mạnh, vừa ăn vừa coi tivi thì đừng mong con sẽ tự giác ăn ngoan.
Và nhớ lịch hẹn khám định kỳ với bác sĩ đừng bao giờ chủ quan, bác sĩ sẽ phát hiện những xu hướng xấu về sự phát triển tinh thần cũng như sự tăng trưởng để giúp cho bạn có những can thiệp kịp thời.
Đối với trẻ 6 tháng- 2 tuổi: đây là giai đoạn trẻ cần nhiều dinh dưỡng để hoàn thiện về mọi mặt. Tôi khuyên bạn áp dụng chế độ ăn phối hợp: bốc – đút. Tức là khi vào bữa, bạn hãy cho con ngồi trên bàn và cố định trẻ lại, loại bỏ các tác nhân ngoại cảnh thu hút sự chú ý của bé, đeo tạp dề và bứt đầu đút cho trẻ. Trẻ đói sẽ chấp nhận phương pháp này, bạn đút bé trong khi bé vui vẻ hợp tác, ngay khi bạn thấy bé ngậm, quay đầu đi, lắc đầu hoặc lấy tay gạt đi bạn hãy ngừng đút. Và đưa đồ ăn thô lên cho trẻ bốc ăn. Đó là lúc bạn và những người lớn khác có thể bắt đầu bữa ăn của mình. Thường khi trẻ quá đói mà bạn cứ khăng khăng chỉ cho bốc thì đa phần trẻ sẽ ăn không đủ.
Đoạn cuối cùng này dựa trên sự quan sát của tôi ở rất nhiều gia đình và tôi thấy đó là phương pháp hợp lí, vừa giải quyết được tâm lí người lớn (vì tâm lí người lớn thấy có đút là yên tâm) vừa tạo điều kiện cho trẻ rẽn các kĩ năng cần thiết. Lượng ăn vào cũng đảm bảo.
Chúc thành công!