Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      ĐÁNH GIÁ CHIỀU CAO CỦA TRẺ

      Trang Chủ » Bác Sĩ Nhi Khoa Lưu Hồng Vân » ĐÁNH GIÁ CHIỀU CAO CỦA TRẺ

      Tác giả: Admin09/05/2020

      ( BS LƯU HỒNG VÂN – PK Nhi khoa Sunshine )

      “BS ơi, con tôi luôn thấp bé nhất lớp từ khi cháu vừa đi học lớp mầm. Sau bao nhiêu năm, cháu vẫn luôn nhỏ hơn các bạn trong lớp. Liệu con tôi có vấn đề gì không ạ?”

      Đây là câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất thường xuyên. Cha mẹ luôn lo lắng về chiều cao của bé con nhà mình, đặc biệt là khi thấy bé thấp nhỏ hơn các bạn cùng lớp hay các bé hàng xóm. Trong một lớp học, luôn phải có bé cao  và các bé thấp hơn. Nhưng nếu bé của bạn là em bé “thấp nhất lớp”, điều đó có cần thiết phải cho bé đến gặp BS hay không?

      Khi nhìn phần trăm trên biểu đồ tăng trưởng, bạn thấy rằng con bạn “rất không ổn”. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng hiếm có lý do để cha mẹ phải lo lắng. Những đứa trẻ khỏe mạnh sẽ phát triển với những hình dạng và kích cỡ khác nhau, và đôi khi sự phát triển này cũng không ổn định. Bé có thể trông rất khác so với bạn bè, hoặc các anh chị em khi cùng lứa tuổi, VÀ VẪN HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG.

      SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THẤP VÀ CHẬM TĂNG TRƯỞNG LÀ GÌ?
      Thấp ( tầm vóc ngắn ) khi so sánh chiều cao giữa cá nhân đó với một nhóm người cùng lứa tuổi và giới tính, trên biểu đồ tăng trưởng bé có chiều cao nằm dưới 2 độ lệch chuẩn ( -2SD ) hoặc dưới 3rd theo bách phân vị so với tuổi và giới tính.

      Chậm tăng trưởng có nghĩa là sự phát triển không nằm trong giới hạn bình thường, hậu quả là sẽ không đạt được chiều cao như dự kiến về mặt di truyền.

      Hai định nghĩa này thường xuyên làm cha mẹ bị lẫn lộn và hiểu nhầm. Một đứa trẻ có tầm vóc ngắn, nhưng không chậm tăng trưởng nếu chiều cao của bé ở bách phân vị 5% và ba mẹ bé cũng có chiều cao ở bách phân vị 5% này. Ngược lại, một đứa trẻ chậm tăng trưởng nhưng tầm vóc không ngắn khi đường biểu diễn chiều cao đang ở bách phân vị 90% lại bị tụt xuống mức 50%.

      Điều quan trọng trong việc đánh giá chiều cao của bé là ĐƯỜNG CONG CHIỀU CAO PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO hơn là nó nằm ở đâu. Do đó, luôn cần phải có các số liệu chính xác về chiều cao và vẽ được đường cong tăng trưởng của con. Một trẻ phát triển bình thường đồng nghĩa với việc đường cong tăng trưởng cũng tăng dần đều mỗi năm, cho dù chỉ nằm ở phần trăm thứ 5 hay thứ 3. BS có thể cần quan sát bé trong vòng 3-6 tháng, hay thậm chí một vài năm để đảm bảo rằng bé tiếp tục phát triển tốt.

      Hãy giữ kỹ hồ sơ các chỉ số cân nặng và chiều cao sẽ giúp việc theo dõi bé dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy cho bé khám sức khỏe định kỳ. Và thậm chí ngay cả khi bé đi khám bệnh, hãy nhờ BS đo chiều cao cho bé nếu gần đây bé chưa được đo.

      Trẻ thường phát triển chiều cao nhiều trong 4 năm đầu đời ( đặc biệt là trong 2 năm đầu ). Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi có thể có đường biểu diễn chiều cao lên xuống vài chục phần trăm để có thể bắt kịp, hoặc trở về đúng mức tăng trưởng được xác định về mặt di truyền. Từ 4 tuổi trở đi, bé sẽ tăng chiều cao một cách ổn định 5-6cm/ năm cho đến tuổi dậy thì. Tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn dậy thì, bé gái cao 7.5-9cm/ năm, bé trai cao 10cm/ năm. Sau đó, chiều cao sẽ phát triển chậm lại cho đến khi đạt được chiều cao của người trưởng thành hoàn toàn- khoảng 4-5 năm sau giai đoạn tăng trưởng tối đa.

      Ngoài sự khác biệt do chiều cao của cha mẹ ( gen ), những khác biệt về thời điểm dậy thì sẽ gây ra sự khác biệt về chiều cao cho trẻ em ở lứa tuổi cuối tiểu học và cấp hai. Ví dụ một bé gái bắt đầu dậy thì lúc 8 tuổi, thì sẽ cao hẳn khi được 9 tuổi, và sẽ tiếp tục cao tới khoảng 13 tuổi. Trong khi một bé gái khác dậy thì lúc 12 tuổi thì sẽ còn cao tới tận 17 tuổi- những trẻ này được gọi là “hoa nở muộn”. Nếu những bé “hoa nở muộn” này có chụp XQuang xương và so sánh với phim XQuang xương của các bé cùng độ tuổi sẽ thấy có sự chậm phát triển trên phim, và những bé này sẽ DẬY THÌ MUỘN HƠN so với bạn của bé. Tuy nhiên, khi các bạn đã dừng chiều cao do đã qua giai đoạn dậy thì, thì bé mới bắt đầu phát triển và và sẽ đạt được chiều cao trong giới hạn bình thường khi trưởng thành. Do đó, đánh giá chiều cao của trẻ em có thể phải mất thời gian dài để theo dõi các số liệu. Hầu hết trẻ em, nếu vẫn phát triển tốt mọi thứ, và có chiều cao dự đoán nằm trong phạm vi của cha mẹ, thì gia đình không cần phải lo lắng. Trong thời gian chờ đợi bé “nở hoa”, hãy đối xử với bé bằng tình yêu thương, không trêu chọc, không ép ăn, và rồi sẽ có ngày bạn thấy “vịt con hóa thành thiên nga”.

      Hiếm khi một em bé thấp lại có một vấn đề về sức khỏe, chỉ trừ khi biểu đồ chiều cao thể hiện một sự tăng trưởng chậm lại và đường biểu diễn có xu hướng đi xuống, hoặc nếu bé có vấn đề khó khăn trong việc ăn uống, tiêu chảy kéo dài, nôn ói, khó thở do các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý đường ruột, nội tiết, tim, thận… Thiếu hụt hormone tăng trưởng là nguyên nhân được biết đến nhiều nhất, tuy nhiên có thể điều trị được. Ngoài ra còn có các rối loạn di truyền cũng gây ra tình trạng chậm phát triển này. Do đó, việc phát hiện sớm một đứa trẻ chậm tăng trưởng sẽ giúp tăng khả năng được chẩn đoán và điều trị sớm, giúp giảm ảnh hưởng đến chiều cao, bớt những tác hại do bệnh tật gây ra và kể cả sức khỏe tổng thể của bé.