( BS LƯU HỒNG VÂN- PK NHI KHOA SUNSHINE )
Bạn lo lắng vì bé thường xuyên hay thỉnh thoảng có những cơn đau chân, đau đến mức không ngủ được?
Có khả năng bé đang bị “đau tăng trưởng”.
Đau tăng trưởng là tình trạng đau như chuột rút ở cơ, đau nhức cơ bắp thường xảy ra ở cả hai chân, gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, trẻ tiểu học.. Có thể bắt đầu xảy ra ở trẻ 3-4 tuổi, đỉnh xuất hiện thứ 2 là giai đoạn 8-12 tuổi.
Mức độ đau khác nhau đối với các trẻ. Một số trẻ bị đau rất nhiều, những trẻ khác thì đau nhẹ. Cảm giác đau ở cả hai chân, đặc biệt là ở mặt trước của đùi, mặt sau của chân (bắp chân) hoặc phía sau đầu gối. Hầu hết trẻ em không bị đau mỗi ngày. Tuy nhiên, cơn đau có thể xuất hiện tới lui trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Hầu hết trẻ em sẽ hết hoàn toàn các cơn đau trong vòng vài năm. Cơn đau thường xuất hiện vào cuối buổi chiều và buổi tối, ngay trước giờ ăn tối và trước khi đi ngủ. Các cơn đau ở chân có thể đau đến mức có thể đánh thức con bạn khi bé đang ngủ. Nếu con bạn có vẻ hoàn toàn ổn vào buổi sáng, đừng vội nghĩ rằng con bạn đang nói dối, hay đang làm quá vấn đề lên, vì các cơn đau tăng trưởng biến mất vào buổi sáng. Chúng thường không cản trở khả năng chơi thể thao hoặc năng động của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em bị đau tăng trưởng có thể nhạy cảm hơn với cơn đau. Những bé này cũng dễ bị đau đầu và đau bụng.
Mặc dù tên là “đau tăng trưởng”, nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy cơn đau liên quan đến sự tăng trưởng. Trước đây, các bác sĩ nghĩ rằng do tốc độ phát triển nhanh của xương so với gân cơ dẫn đến tình trạng đau này. Tuy nhiên, với các hiểu biết hiện nay thì giả thuyết đó không đúng. Thay vào đó, đây chỉ đơn giản là đau cơ do các hoạt động thể lực trong ngày của bé, bao gồm chạy, nhảy, leo trèo. Hay gặp hơn khi trẻ có chơi thể thao cả ngày. Nhưng cách gọi cũ vẫn còn được sử dụng.
Làm thế nào để chẩn đoán đau tăng trưởng?
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán các cơn đau tăng trưởng bằng cách khám rất kỹ cho bé và hỏi các câu hỏi về bệnh sử và các triệu chứng. Điều quan trọng là cần phải loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau trước khi đưa ra kết luận đau tăng trưởng. Đây là lý do tại sao bé nên đến gặp bác sĩ nếu có bé than thở bị đau chân.
Nếu con bạn có những cơn đau tăng trưởng, bác sĩ sẽ không thấy có gì bất thường trong quá trình khám sức khỏe. Xét nghiệm máu và chụp X-quang thường không cần thiết trong trường hợp này.
Điều trị như thế nào?
Điều trị các cơn đau phụ thuộc vào mức độ đau của con bạn. Những điều sau đây có thể giảm bớt sự khó chịu và giúp con bạn cảm thấy tốt hơn:
- Massage chân.
- Kéo căng cơ chân.
- Đặt một miếng vải ấm hoặc miếng đệm ấm vào chân bị đau. Lưu ý độ nóng để tránh làm bỏng da của bé.
- Uống thuốc giảm đau: Acetaminophen hoặc I Lưu ý liều lượng thích hợp cho con bạn. Không bao giờ cho trẻ em uống Aspirin. Sử dụng Aspirin ở trẻ em có liên quan đến một căn bệnh đe dọa tính mạng được gọi là hội chứng Reye.
Gọi cho bác sĩ nếu đau chân xuất hiện với các triệu chứng sau. Chúng không phải là triệu chứng của những cơn đau tăng trưởng, nhưng bác sĩ sẽ cần khám cho con bạn và tiến hành các xét nghiệm:
- chấn thương
- sốt
- ăn mất ngon
- đi khập khiễng hoặc đi lại khó khăn
- phát ban
- khớp đỏ, ấm, đau, sưng
- mệt mỏi
- yếu đuối
- giảm cân