Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      Viêm họng và viêm amidan cấp

      Trang Chủ » Bệnh Hô Hấp » Viêm họng và viêm amidan cấp

      Tác giả: Trần Công15/03/2021

      Viêm họng cấp là viêm toàn bộ lớp niêm mạc phủ bề mặt của họng. Ở cả người lớn lẫn trẻ em, nguyên nhân của viêm họng cấp thường là virus hoặc vi khuẩn.

      Viêm họng cấp thường tự hết sau 5-7 ngày ở người lớn và trẻ lớn, 1-2 tuần với trẻ nhỏ mà hiếm khi để lại biến chứng.

      Virus có thể là nguyên nhân gây ra viêm họng cấp hoặc viêm hô hấp trên, chẳng hạn như bệnh cảm lạnh thông thường, viêm họng gây ra bởi virus thì không cần điều trị bằng kháng sinh, bệnh sẽ tự khỏi, chỉ cần một vài điều trị hỗ trợ như: nghỉ ngơi, súc họng, giảm sốt, giảm đau.

      Viêm họng do vi khuẩn trong đó đặc biệt là viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A yêu cầu được điều trị bằng 1 liệu trình kháng sinh kể cả ở trẻ em và người lớn.

      Biểu hiện của viêm họng cấp.

      Viêm họng và viêm amidan cấp

      Viêm họng do virus

      Hầu hết viêm họng cấp ở cả trẻ em và người lớn đều do virus gây ra.

      Các virus gây viêm họng thường gặp là: virus gây bệnh cảm lạnh (Rhinovirus), virus cúm, enterovirus, adenovirus, Epstein-Barr virus….

      Các triệu chứng của viêm họng cấp do virus bao gồm:

      • Sốt: có thể có sốt hoặc không sốt,sốt từ nhẹ đến cao
      • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
      • Đỏ mắt, tiết nước mắt, sưng mắt
      • Ho, khan tiếng, cảm thấy đau ở phần cuối của miệng, đau khi nuốt vào
      • Ở trẻ em có thể dễ ói, đặc biệt sau ăn, 1 số trẻ có kèm theo tiêu phân lỏng, phát ban ngoài da.

      Viêm họng do vi khuẩn

      Triệu chứng của viêm họng do vi khuẩn: Liên cầu beta tan huyết nhóm A là vi khuẩn hay gặp nhất, chiếm 10 % ở người lớn là lên đến 30 % các trường hợp viêm họng cấp ở trẻ em vào mùa đông. các triệu chứng bao gồm

      • Đau họng
      • Sốt, thường trên 38 độ
      • Sưng đau hạch cổ
      • Họng sưng có xuất tiết mủ
      • Chấm đỏ xuất huyết trên vòm họng
      • Trẻ em có thể phát ban trên da, có thể đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng…
      • Thường không có sổ mũi, ho hay đỏ mắt kèm theo

      Đối với trẻ em lứa tuổi hay gặp nhất là trẻ tuổi học đường (trên 5 tuổi) tuy nhiên trẻ nhỏ hơn cũng có thể bị.

      Chẩn đoán viêm họng cấp như thế nào?

      Dựa vào các triệu chứng mới kể ở trên, dễ dàng để chẩn đoán viêm họng cấp.

      Trẻ lớn và người lớn than đau họng nghĩa là có viêm họng cấp. Các triệu chứng kèm theo: mắt đỏ, sổ mũi, phát ban … giúp phân biệt trên lâm sàng nguyên nhân viêm họng là do siêu vi hay vi khuẩn.

      Đối với trẻ nhỏ việc chẩn đoán khó khăn hơn, đặc biệt là viêm họng do vi khuẩn, khi vắng mặt các dấu hiệu (sổ mũi, ho, đỏ mắt, ban) vì trẻ không biết than phiền. Thông thường ta thấy trẻ sốt, mệt, ăn uống kém, dễ bị ói, chảy nước miếng, thở hôi v..v … khám họng bằng đèn soi thông thường có thể phát hiện được tình trạng sưng nề, tiết mủ hay những biến đổi khác trong họng trẻ.

      Một vấn đề quan trọng đó là phải chẩn đoán được tác nhân Liên cầu beta tan huyết nhóm A để quyết định điều trị kháng sinh. Vì vi khuẩn này có thể để lại di chứng thấp tim và viêm cầu thận rất nặng nề, đặc biệt là ở trẻ em.

      Ngoài các triệu chứng lâm sàng mới nêu ở trên. Phết họng tìm liên cầu khuẩn rất hữu ích. Hiện nay có 2 phương pháp

      Test nhanh: có kết quả trong vài chục phút.

      • Bác sĩ sẽ dùng một tăm bông, phết lên bề mặt họng, amidan sau đó đưa tới phòng xét nghiệm.
      • Kết quả dương tính thì độ chính xác lên tới 92 %, nhưng cũng có âm tính giả chiếm 20 %, nghĩa là 100 ca âm tính thì có đến 20 ca là âm tính giả (vẫn có vi khuẩn lên cầu nhưng không phát hiện được).
      • Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng cho bác sĩ biết kết quả để điều trị kháng sinh.
      • Nhược điểm là có tỉ lệ âm tính giả, và không làm được kháng sinh đồ (để biết vi khuẩn liên cầu còn nhạy kháng sinh nào)

      Cấy dịch phết họng: vẫn dùng dụng cụ như trên, nhưng trong xét nghiệm này bệnh phẩm sẽ được nuôi cấy trong môi trường thích hợp, để xem có mọc con vi khuẩn lên hay không. Nhược điểm của phương pháp này là lâu có kết quả (2-5 ngày sau), nhưng ưu điểm là có thể làm kháng sinh đồ, giúp lựa chọn kháng sinh chính xác.

      Điều trị viêm họng, amidan cấp như thế nào?

      Tùy vào nguyên nhân gây viêm là virus hay vi khuẩn mà điều trị khác nhau.

      Kháng sinh

      Nếu nguyên nhân gây viêm là vi khuẩn liên cầu thì kháng sinh sẽ được sử dụng. Các kháng sinh có thể là penicillin, amoxillin…hoặc các thuốc kháng sinh khác cũng có thể thay thế nếu bị dị ứng penicillin. Thời gian điều trị kháng sinh thường là 10 ngày.

      Nếu nguyên nhân gây viêm họng là virus, thì chỉ điều trị triệu chứng và chờ bệnh tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. các điều trị đó bao gồm:

      Thuốc giảm đau

      Những thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen, ibuprofen đều có thể được sử dụng để giảm đau, hạ sốt ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có sốt mà chưa loại trừ sốt xuất huyết thì không nên dùng ibuprofen. Không dùng aspirin (là thuốc cùng nhóm với ibuprofen để hạ sốt hay giảm đau cho trẻ em, vì có thể dẫn tới hội chứng Reye nguy hiểm).

      Corticoid uống

      Dexamethasone, prednisolone … không được khuyến cáo thường quy để giảm đau vì những tác dụng phụ của nó mang lại.

      Súc họng

      Súc họng bằng nước muối là một phương pháp truyền thống trong điều trị chứng viêm họng – amidan cấp, tuy nhiên hiệu quả của nó thì cũng chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên vì tính chất vô hại của nó nên vẫn có thể làm. Có thể mua nước muối sinh lý tại các tiệm thuốc tây hoặc tự chế tại nhà (¼- ½ muỗng café muối (tương đương 1.5- 3 gam muối) hòa vào 250 ml nước ấm.

      Xịt họng

      Dùng thuốc xịt họng có chứa thuốc tê (benzocaine, phenol..) thì cũng giảm được tình trạng đau họng, tuy nhiên hiệu quả cũng không nhiều hơn phương pháp ngậm kẹo cứng. Phương pháp này không được khuyến cáo cho trẻ em..

      Ngậm viên kẹo cứng

      Ngậm một viên kẹo cứng có chứa chất gây tê giảm đau cũng là một phương pháp hiệu quả để giảm đau họng. Tuy nhiên chỉ áp dụng cho người lớn, trẻ lớn (trên 6 tuổi) vì nguy cơ nghẹn ở trẻ nhỏ.

      Các điều trị khác cũng giúp giảm đau họng như: dich ấm (nước mật ong, trà chanh, soup gà), ăn hoặc uống nước lạnh chẳng hạn như kem cũng giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu.

      Bù nước

      Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em, vì họng đau và dễ nôn nên trẻ có nguy cơ mất nước, cần cho trẻ uống nước mát, và theo dõi trẻ, quan trọng nhất là theo dõi nước tiểu. Nếu 4-6 giờ liên tục trẻ không đi tiểu, hoặc không ướt tã hãy cho trẻ tới gặp bác sĩ ngay.

      Không khuyến cáo sử dụng các thực phẩm, vitamin hay các chế phẩm khác được quảng cáo trên internet hay các cửa hàng nhằm mục đích giảm đau họng. Do sự phơi nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, cũng như thông tin về liều lượng không chính xác, thiếu các nghiên cứu về độ an toàn cũng như hiệu quả của các sản phẩm này.

      Chừng nào bệnh nhân có thể trở lại trường học/ cơ quan là an toàn?

      Nếu việm họng – amidan do liên cầu thì bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại nhà, không tới trường hoặc cơ quan ít nhất 24 giờ sau khi nhận được liều kháng sinh đầu tiên để tránh lây lan cho người khác.

      Nếu viêm họng-amidan do virus người lớn có thể quay trở lại công việc càng sớm càng tốt miễn là họ thấy khỏe, với trẻ em thì sau khi hết sốt 1-2 ngày hãy trở lại trường học với điều kiện trẻ cảm thấy khỏe.

      Những tình trạng nào được coi là nặng cần gặp bác sĩ gấp?

      Nếu có bất kì biểu hiện nào sau đây, bệnh nhân cần được gặp bác sĩ ngay:

      • Cảm thấy khó thở
      • Phát ban ngoài da
      • Khó nuốt, chảy nước miếng
      • Sưng phù vùng cổ hoặc lưỡi
      • Cứng cổ hoặc rất khó mở miệng
      • Có bệnh nền sẵn: như bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh tim bẩm sinh ….

      Làm sao để phòng ngừa viêm họng- amidan cấp?

      Thực hiện đầy đủ những việc sau giúp hạn chế nhiễm bệnh

      • Rửa tay bằng xà bông thường xuyên hoặc sát trùng tay nhanh bằng cồn. Vệ sinh các mặt phẳng, đồ chơi để tránh lây an giữa các bé.
      • Che miệng khi ho, hắt hơi. Mang khẩu trang khi bị bệnh
      • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
      • Chích ngừa đầy đủ: cúm, phế cầu…
      • Tránh khói bụi, thuốc lá.