Con tôi bị hắt hơi, sổ mũi kéo dài. Làm sao có thể biết được cháu bị viêm mũi dị ứng hay chỉ là chứng cảm lạnh?
Đó là câu hỏi thường gặp của phụ huynh cũng như các các bác sĩ nhi khoa tổng quát khi tiếp cận 1 em bé mà ba mẹ chúng phàn nàn về chứng sổ mũi kéo dài. Nếu là cảm lạnh chúng ta không cần can thiệp gì cả ngoại việc vệ sinh mũi, nếu là viêm mũi dị ứng 1 corticoid xịt tại chỗ hay antihistamin an toàn có lẽ sẽ giúp ích cho trẻ.
Trước hết cha mẹ hãy tự đặt và trả lời những câu hỏi sau
Mục lục bài viết
Hiện tượng này có thay đổi theo mùa hay không?
Nếu có – có thể đó là viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng xảy ra vào cùng một thời điểm trong năm khi có sự biến chuyển của 1 yếu tố nào đó ngoài môi trường. Ví dụ khi những chiếc lá bắt đầu rụng vào mùa thu, hoặc các loài thực vật bắt đầu ra hoa vào mùa xuân chẳng hạn. Các triệu chứng của dị ứng có thể là hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi .. đó là các phản ứng của đường thở với tác nhân gây dị ứng.
Bệnh cảm lạnh gây ra bởi virus, có thể xảy ra ở bất cứ môi trường nào, thời điểm nào. Nhưng thường tập trung vào các tháng mùa đông.
Các triệu chứng có xảy ra đột ngột hay không?
Nếu có, có thể đó là viêm mũi dị ứng. Trong bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa, các triệu chứng xuất hiện đột ngột và kéo dài.
Các triệu chứng của cảm lạnh thường xuất hiện 1 cách từ từ và khỏi trong vòng 7-10 ngày trong khi viêm mũi dị ứng kéo dài chừng nào người đó còn tiếp xúc với dị nguyên có khi tới vài tuần hay vài tháng .
Con bạn có bị ngứa hay chảy nước mắt không?
Nếu có, rất có thể là viêm mũi dị ứng. Rất nhiều trẻ bị viêm mũi dị ứng có triệu chứng này do các tác nhân gây dị ứng làm viêm kết mạc.
Con bạn có sốt hay không?
Nếu có, rất có thể là cảm lạnh. Trong chứng viêm mũi dị ứng không bao giờ có sốt trong khi cảm lạnh thì có thể – khoảng 20 % trẻ cảm lạnh có sốt.
Dịch mũi có chuyển sang màu vàng hay xanh không?
Nếu có, rất có thể là cảm lạnh. Trong bệnh viêm mũi dị ứng dịch chảy ra thường ít và trong chứ không chuyển màu xanh vàng như bệnh cảm lạnh.
Một số dấu hiệu thực thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm mũi dị ứng
- Nếp lằn ngang mũi
- Cuốn mũi phù nề, nhợt nhạt hay tím
- Bọng thâm mắt
- Hạt lympho thành họng sau
Điều trị viêm mũi dị ứng ra sao?
- Trước tiên, giống như tất cả các bệnh dị ứng khác – cố gắng tìm ra dị nguyên để tránh nó.
- Tiếp theo nếu viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống:
- Corticoide dạng xịt vào mũi là đầu tay
- Antihistamin : dạng xịt hay uống
- Corticoid đường uống nếu nặng
- Montelukast có lợi nếu trẻ có hen hay polyp mũi
- Nâng bậc điều trị và phối hợp thuốc tùy theo mức độ nặng của bệnh và đáp ứng với trị liệu ban đầu.