Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      CON TÔI CÓ THỂ BỊ DỊ ỨNG SỮA BÒ KHÔNG?

      Trang Chủ » Bác Sĩ Nhi Khoa Lưu Hồng Vân » CON TÔI CÓ THỂ BỊ DỊ ỨNG SỮA BÒ KHÔNG?

      Tác giả: Admin30/03/2020

        ( BS LƯU HỒNG VÂN- PK Nhi khoa Sunshine )

       

      Dị ứng sữa bò ( cow’s milk allergy- CMA ) hay còn được gọi là dị ứng protein sữa bò ( cow’s milk protein allergy – CMPA ) xảy ra khi sữa bò được tiêu thụ bởi người mẹ cho bé bú hoàn toàn hoặc sữa bò trong sữa công thức mà bé đang sử dụng- gây ra các triệu chứng ở trẻ trước khi cai sữa, hoặc nếu bé ăn các sản phẩm có chứa protein sữa bò trong hoặc sau khi cai sữa. Dị ứng thường xuất hiện trong năm đầu tiên và hầu hết sẽ vượt qua được.

      CMA là một trong những dị ứng thực phẩm thường gặp nhất ở Anh, ước tính ảnh hưởng đến 7% trẻ bú sữa công thức hay bú sữa công thức và sữa mẹ ( một số nghiên cứu khác thì đưa ra con số 2.5-5% trẻ bị ảnh hưởng ). Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng tỉ lệ chỉ vào khoảng 0.2-0.5%, và triệu chứng thường ở mức độ nhẹ hay trung bình. Cũng vì lý do này mà các chuyên gia khuyến cáo bé nên được bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong vòng 6 tháng đầu tiên.

      Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể “nhầm lẫn” một chất vô hại ( thực phẩm ) như một kẻ xâm lược và tấn công nó- giống như khi cơ thể tấn công vi khuẩn và virus. Phản ứng bất thường này giải phóng các hóa chất lần lượt kích hoạt các triệu chứng liên quan đến dị ứng.

      Sữa chứa cả casein ( tạo thành sữa đông khi sữa bị chua ) và whey ( váng sữa- một chút nước khi sữa đông được loại bỏ ). Mỗi loại này lại có chứa một số protein khác nhau, và bất kỳ loại protein nào cũng có thể gây ra dị ứng.

      CMA có thể gây ra các phản ứng khác nhau tùy thuộc vào các hóa chất được giải phóng và dị ứng được phân loại dựa trên các nguyên nhân này:

      • Các phản ứng được tạo bởi IgE: hệ thống miễn dịch giải phóng histamines và các hóa chất khác để đáp ứng với protein sữa bò. Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 20-30 phút sau khi tiêu thụ protein. Một số trường hợp có thể xuất hiện sau 2 giờ.
      • Phản ứng không qua trung gian IgE: các tế bào T được cho là các tác nhân gây ra triệu chứng, xuất hiện dần dần từ 48 giờ đến 1 tuần sau khi tiêu thụ protein sữa bò.
      • Phản ứng hỗn hợp IgE và không IgE: đây là sự kết hợp giữa phản ứng trung gian immunoglobulin E và các phản ứng không qua trung gian của immunoglobulin E.

      Không nên nhầm lẫn giữa CMA và bất dung nạp lactose- là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ enzyme cần thiết để tiêu hóa đường lactose có trong sữa.

      CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA CMA?

      Có một loạt các triệu chứng được gây ra khi dị ứng với protein sữa bò, thường liên quan đến da, hô hấp và tiêu hóa.

      • Các triệu chứng qua trung gian IgE ( thường xuất hiện cấp tính ): da ( ngứa, nổi đỏ, nổi mẫn ở một vị trí hay cả người, sưng môi, mặt, quanh mắt ), đường tiêu hóa ( ngứa miệng, sưng vùng hầu họng, buồn nôn, nôn, đau bụng dữ dội, tiêu chảy ), đường hô hấp ( hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, khó khè, khó thở ).
      • Các triệu chứng không qua trung gian IgE ( không cấp tính và thường xuất hiện muộn ): da ( ngứa da, chàm ), đường tiêu hóa ( trào ngược dạ dày thực quản, đi cầu phân lỏng hay đi cầu nhiều lần trong ngày, phân có máu hay có chất nhầy, táo bón, đau bụng, thường xuyên bị hăm khu vực quanh hậu môn ), đường hô hấp ( ho, khò khè, khó thở ).
      • Trong một số ít trường hợp, bé có thể bị phản ứng phản vệ, cần được sự trợ giúp y tế khẩn cấp ngay lập tức vì có thể gây tử vong. Gọi xe cấp cứu ngay nếu thấy bé đang khó thở, người mềm nhũn, lơ mơ hoặc bất tỉnh.
      • CMA có thể đôi khi dẫn đến biến chứng kém hấp thu hay dinh dưỡng kém. Trẻ có thể bị thiếu máu thiếu sắt mãn tính hay chậm phát triển.

      CHẨN ĐOÁN CMA NHƯ THẾ NÀO?

      BS sẽ hỏi kỹ về tiền sử gia đình để tìm hiểu xem các thành viên khác có bị dị ứng thực phẩm, hen suyễn, chàm da hoặc viêm mũi hay không. Có nghiên cứu cho rằng trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử dị ứng sẽ có nhiều khả năng bị CMA. Trước khi chẩn đoán xác định CMA, BS sẽ cần loại bỏ các nguyên nhân khác có thể gây ra các tình trạng tương tự như không dung nạp thực phẩm, bệnh Celiac, bệnh Crohn…

      Nếu các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng sau khi dùng sữa thì việc chẩn đoán có thể dễ dàng hơn. Ngược lại, các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi dùng sữa thì việc chẩn đoán sẽ khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn.

      Nếu BS nghi ngờ dị ứng protein sữa bò qua trung gian IgE, bé thường sẽ được chuyển đến BS chuyên khoa dị ứng để làm test lẩy da hoặc xét nghiệm máu đo nồng độ IgE. Nếu chẩn đoán xác định, cần tránh nghiêm ngặt các loại protein làm từ sữa.

      Đối với trường hợp nghi ngờ dị ứng protein sữa bò không qua trung gian IgE: bé có thể không cần gặp BS chuyên khoa dị ứng. Bé có thể được thử kiêng protein trong sữa bò ( loại bỏ ra khỏi chế độ ăn của trẻ, hoặc của mẹ nếu bé bú mẹ hoàn toàn ) trong một khoảng thời gian ( theo ý kiến của BS- tùy từng trường hợp ). Nếu đúng bé có CMA, thì các triệu chứng sẽ biến mất khi kiêng, và có thể xuất hiện trở lại khi bé lại dùng chúng.

      Cần cảnh giác với các xét nghiệm như phân tích tóc hay kinesiology ( vận động học ). Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy các xét nghiệm này cho kết quả chính xác về dị ứng hay không dung nạp thức ăn. Việc loại bỏ nhiều loại thức ăn khác nhau dựa trên kết quả này có thể dẫn đến bé của bạn thiếu hụt chất dinh dưỡng và không phát triển khỏe mạnh.

      BÉ SẼ BỊ CMA TRONG BAO LÂU?

      Hầu hết trẻ có phản ứng không qua trung gian IgE sẽ khắc phục được triệu chứng khi trẻ vào khoảng 3 tuổi.

      Đối với trẻ em dị ứng qua trung gian IgE, các nghiên cứu cho thấy khoảng ½ số này sẽ không biểu hiện triệu chứng khi bé khoảng 5 tuổi. Bằng chứng cho thấy CMA có nhiều khả năng tồn tại lâu nếu bé có kèm theo viêm mũi dị ứng hay hen suyễn, hoặc nếu bé có biểu hiện CMA nặng hơn, hoặc khi nồng độ IgE đặc hiệu sữa cao hơn. Mặc dù vậy, rất hiếm thấy người lớn bị CMA.