Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      COLIC/ HỘI CHỨNG KHÓC QUẤY Ở TRẺ SƠ SINH/ KHÓC DẠ ĐỀ

      Trang Chủ » Bác Sĩ Nhi Khoa Lưu Hồng Vân » COLIC/ HỘI CHỨNG KHÓC QUẤY Ở TRẺ SƠ SINH/ KHÓC DẠ ĐỀ

      Tác giả: Admin29/04/2020

      ( BS LƯU HỒNG VÂN- PK Nhi khoa Sunshine )

      Colic là tình trạng MỘT EM BÉ KHỎE MẠNH BỖNG KHÓC QUẤY VÔ CỚ LIÊN TỤC TRONG CẢ GIỜ ĐỒNG HỒ, thậm chí có bé khóc hơn 3 giờ một ngày, hơn 3 ngày một tuần. Tuy nhiên, việc khóc quấy này KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE của bé. Ngoại trừ việc bé thường khóc quấy dữ dội vào một khoảng thời gian hầu như cố định trong ngày, bé vẫn bú tốt, phát triển tốt. Có khi đang ngủ ngon, bất chợt bé khóc thét lên, tiếng khóc như có vẻ bị đau khủng khiếp, kèm theo đỏ mặt, hoặc tím môi, tay nắm chặt, gối co về phía ngực, ưỡn lưng ưỡn ngực, không chịu bú, có thể sẽ kèm theo ợ hơi hay xì hơi. Tuy nhiên, hiện tại cũng chưa rõ việc bé ợ hơi và xì hơi này là nguyên nhân gây ra đau bụng và khóc, hay do khóc nhiều quá gây ra ợ hơi và xì hơi. Bất kỳ ai nghe tiếng khóc này cũng sẽ vô cùng lo lắng và căng thẳng.

      Lứa tuổi: Các cơn quấy khóc này có thể bắt đầu khi bé 2-4 tuần tuổi, đỉnh điểm của colic là trẻ 6 tuần tuổi. Trước 3 tháng tuổi, hơn 60% trẻ sẽ có hiện tượng colic. Chỉ còn 10% trẻ có triệu chứng colic sau 4 tháng tuổi.

      Khi nào trong ngày hay xảy ra colic nhất? Một số trẻ đau bụng dữ dội và quấy khóc dai dẳng cả ngày và đêm. Tuy nhiên, tần suất xảy ra vào ban đêm gặp nhiều hơn ban ngày. Do đó, ông bà ngày xưa hay gọi là “khóc dạ đề”. Trẻ khóc nhiều vào ban đêm làm cho ba mẹ lo lắng và mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, bé sẽ tự hết khi bé lớn dần lên mà không cần bất cứ điều trị gì.

      Nguyên nhân: Tới nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra colic. Một số giả thuyết bao gồm sự chưa phát triển hoàn chỉnh của hệ thần kinh, sự chưa phát triển hoàn chỉnh của đường tiêu hóa, do thức ăn của mẹ đối với một trẻ bú mẹ hoàn toàn. Nếu bé bú mẹ, một số món mẹ ăn có thể làm bé đau bụng. Mẹ thử cắt giảm khẩu phần ăn chứa caffeine, hành tây, bắp cải, trứng, sữa.. Nhưng nếu không có thay đổi trong vài ngày thì đồ ăn không phải là nguyên nhân gây ra colic. Trẻ trai có vẻ hay gặp hơn trẻ gái. Không có sự khác biệt về tần suất ở trẻ sinh đủ tháng hay thiếu tháng, ở trẻ bú mẹ hay bú bình. Trước đây, thường nghĩ tới nguyên nhân “thiếu calci”, nhưng đến tận bây giờ cũng chưa có bằng chứng khoa học cho việc này.

      Tuy nhiên, làm sao để biết bé KHÓC DO NHỮNG BỆNH LÝ NGHIÊM TRỌNG KHÁC? Bé khóc do colic sẽ làm ba mẹ vô cùng lo lắng, nhưng không gây nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, có thể bé khóc do đau bụng vì một bệnh lý thật sự nào đó, do thoát vị, hoặc có lý do tiềm ẩn nào đó. Đừng đợi tới khi bé qua 4 tháng tuổi mới nói chuyện với BS. Đặc biệt hãy báo BS ngay nếu bé có kèm theo sốt, nôn ói liên tục, tiêu chảy hay thậm chí có máu trong phân, có dấu hiệu mất nước, ít tiểu, bé có vẻ ngủ nhiều hơn bình thường, bé có vẻ quấy hay mệt hơn so với bình thường.

      Xử lý cơn colic như thế nào?

      Hãy tìm các nguyên nhân khác có thể làm bé quấy khóc, như bé đói không, tã dơ không, bé có nóng hay lạnh quá, do đau ở đâu đó ( tì đè cấn khi ẵm bé, bị con gì đốt, quần áo quá chật… ) Dỗ dành bé nhẹ nhàng, cho bé tắm nước ấm, cho bé đi dạo, massage cho bé, cho bé ngậm ti giả, cho bé nghe các âm thanh quen thuộc nào đó như tiếng quạt máy, tiếng nhạc êm dịu, tiếng hát ru hay nói chuyện với bé… Có một số bé lại dễ chịu hơn nếu được quấn sát hơn ( nhưng không quấn chặt quá ), ở trong phòng tối hơn. Tuy nhiên, KHÔNG BAO GIỜ RUNG LẮC BÉ để dỗ dành vì nguy cơ tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

      Men vi sinh giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, tới nay cũng chưa có bằng chứng chắc chắn về hiệu quả trong điều trị hay phòng ngừa colic. Hãy tham khảo ý kiến BS trước khi bạn định cho bé dùng men vi sinh, hay bất cứ phương pháp dân gian nào như chườm ấm hay uống các loại rau lá, thảo dược nào đó.

      Rất nhiều trường hợp, cha mẹ đã làm đủ mọi cách như trên vẫn không giúp bé ngừng khóc được. Nghe tiếng khóc dữ dội càng làm bạn căng thẳng hơn. Hãy bình tĩnh, nhờ ông bà hay người thân đủ tin tưởng giúp bạn trông bé trong vài giờ đồng hồ “khó ở” này. Nghỉ ngơi, thư giãn một chút, hay thậm chí hãy ra khỏi nhà và đi dạo để thoải mái đầu óc hơn. Các ông bố hãy đặc biệt lưu ý chia sẻ, động viên và hỗ trợ vợ mình nhiều hơn trong giai đoạn này. Bé khóc quấy nhiều nhưng không nguy hiểm, ngược lại, mẹ không khóc quấy nhưng mẹ rất dễ tổn thương, thậm chí trầm cảm vì tiếng khóc của bé. Cha mẹ hay bé hay bất cứ ai, đều không có lỗi gì trong chuyện này. Không có cách nào biết được khi nào sẽ xảy ra cơn colic, cho dù bạn luôn yêu thương và chăm bé kỹ như thế nào. Hãy hiểu rằng đây là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và sẽ hết sau giai đoạn 4 tháng tuổi. Nếu bạn vẫn còn lo lắng, hãy nói chuyện với BS nhi khoa để được giải thích cặn kẽ hơn về vấn đề này.