Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      Những nguyên nhân gây biếng ăn chính và cách giải quyết

      Trang Chủ » Bệnh Dinh Dưỡng » Những nguyên nhân gây biếng ăn chính và cách giải quyết

      Tác giả: Trần Công20/02/2021

      Bác sĩ nhi khoa Trần Công

       

      Những nguyên nhân gây biếng ăn chính

      • Biếng ăn sinh lý
      • Biếng ăn do trẻ bị bệnh
      • Biếng ăn do thức ăn không phù hợp
      • Biếng ăn do thừa hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng
      • Biếng ăn tâm lý
      • Biếng ăn bệnh lý

      Biếng ăn sinh lý

      Biếng ăn sinh lý là biếng ăn tạm thời, ngắn hạn, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, do sự thay đổi về thể chất, chức năng cơ thể hay do thời tiết khó chịu (thường vào mùa hè). Chứng biếng ăn này sẽ hết khi cơ thể và môi trường ổn định.

      Những sự thay đổi về cơ thể của bé

      • Sau tiêm chủng
      • Mọc răng
      • Khi mới biết thêm kĩ năng mới : tập lẫy, tập bò, tập đi… vì trẻ quá chú ý tập kĩ năng mới mà “ quên “ mất việc ăn

      Về phía môi trường thay đổi

      Thời tiết quá nóng hay quá lạnh.

      Đặc điểm biếng ăn sinh lý

      Ngoài chuyện ăn ít hơn bình thường trẻ không có dấu hiệu của bệnh tật : không sốt, không mất ngủ, không quấy khóc…

      Giải quyết

      Không cần cho thuốc, bình tĩnh cho trẻ ăn theo nhu cầu, có thể thay thế 1 vài loại thức ăn có năng lượng cao hơn, chẳng hạn cho thêm dầu ăn vào cháo, đổi sang sữa năng lượng cao…. Vì khối lượng thức ăn lúc này ít hơn bình thường.

      KHÔNG ĐƯỢC ÉP TRẺ ĂN vì sẽ gây tổn thương tâm lí, dẫn tới việc sợ ăn, biếng ăn về sau.

      Biếng ăn do bị bệnh

      Dấu hiệu

      Tất cả những trẻ bị bệnh đều biếng ăn hơn bình thường, ngoài triệu chứng biếng ăn trẻ có các dấu hiệu bệnh: sốt, ho, ói, ỉa chảy…. Đối với những cháu không thấy có biểu hiện bệnh, nhưng thời gian biếng ăn trên 1 tháng và chậm tăng cân thì cần đưa tới bác sĩ, có thể bé bị 1 bệnh nào đấy mà các triệu chứng rất kín đáo ba mẹ không phát hiện được.

      Giải quyết

      • Tới bác sĩ khám để điều trị cho khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể biếng ăn thêm 2 tuần nữa kể cả bệnh đã khỏi.
      • Cho ăn những món trẻ thích nhưng phải được chế biến đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng với số lượng mà trẻ có thể ăn được.
      • Tăng số bữa ăn, bình thường ăn 3 bữa thì nay cho ăn 5 bữa.
      • Tăng năng lượng trong khẩu phần ăn: bình thường ăn được 1 chén cháo, nay chỉ ăn được nửa chén thì cho thêm 1 muỗng dầu ăn.
      • Cho trẻ thêm bữa phụ với các chất giàu dinh dưỡng như: sữa chua, sữa, chè đậu, tàu hũ, bánh flan…

      Biếng ăn do thức ăn không phù hợp

      Nếu trẻ đã phát triển vận động của lưỡi và răng mà cứ cho trẻ ăn mãi 1 loại thức ăn xay nhuyễn thì trẻ sẽ chán và phun thức ăn ra ngoài.

      Ngược lại nếu trẻ chưa có đủ răng mà ta lại cho ăn thức ăn cứng thì trẻ sẽ ngậm mãi vì không nuốt được.

      Với trẻ trên 2 tuổi đã phát triển vị giác thì trẻ rất tò mò và muốn trải nghiệm các mùi vị khác nhau, nếu bạn cứ trộn chung tất cả đồ ăn trong 1 tô thì thật là chán và trẻ sẽ chối ăn…

      Mỗi trẻ có 1 khẩu vị khác nhau và cha mẹ cần tìm hiểu để chế biến cho phù hợp. Mỗi khi cho trẻ thứ 1 món mới thì cần cho trẻ thử ít một và ít nhất trong 2 ngày, có thể trẻ sẽ từ chối ăn là chuyện bình thường. Cần kiên trì không nên ép trẻ làm trẻ càng sợ hơn, không nên thay đổi thức ăn liên tục vì trẻ rất nhạy cảm với mùi vị lạ.

      Để tránh biếng ăn do thức ăn không phù hợp cần tham khảo chế độ ăn theo lứa tuổi và nguyên tắc chung về ăn uống phòng tránh biếng ăn.

      Biếng ăn do thừa hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng

      Vi chất ở đây là nói đến các vitamin và muối khoáng, khi thiếu hay thừa đều gây biếng ăn.

      Thiếu vi chất dinh dưỡng

      Thiếu vi chất là do dinh dưỡng không đúng và chăm sóc trẻ không hợp lý. Về dinh dưỡng, việc cho trẻ ăn những thức ăn không được bảo quản tốt như:

      • Phơi nắng
      • Nấu xong không cho ăn ngay
      • Nấu 1 lần ăn cả ngày, cho ăn nước hầm xương, nước thịt nước rau mà không cho ăn cái.
      • Quá thiên vị 1 loại thực phẩm mà coi nhẹ thực phẩm khác vì cho rằng nó bổ.

      Về chăm sóc không hợp lý

      • Không tắm nắng khiến trẻ bị thiếu vitamin D, dẫn tới thiếu canxi
      • Không giữ vệ sinh và không sổ giun gây sán, giun hút máu làm trẻ thiếu máu….

      Thừa vi chất

      • Ở đây đa số do cha mẹ tự ý mua thuốc bổ cho con uống mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ
      • Giải quyết: biếng ăn do nguyên nhân này thì cần tới bác sĩ để kê vi chất bổ sung cho bé khi thiếu, và cần cho trẻ ăn uống đúng: đúng thời điểm, đa dạng thực phẩm, đủ 4 nhóm dinh dưỡng và cân đối.

      Biếng ăn tâm lý

      • Là tình trạng biếng ăn do tình cảm của trẻ bị tổn thương, lí do này thường không được phụ huynh chấp nhận vì cho rằng mình yêu thương con còn không kể hết thì sao mà làm tổn thương con được, hoặc là trẻ còn nhỏ đã biết gì mà tổn thương tình cảm… Tuy nhiên bạn biết đấy, trẻ đủ nhạy cảm để thấy mình “bị bỏ rơi” hay “không được cưng” hay “tại sao cha mẹ không chơi với mình mà cứ để mình với ông bà hay người giúp việc” hay “tại sao ba mẹ cứ rầy la khi cho ăn”… Chúng chưa hiểu được là ba mẹ chúng phải đi làm để nuôi chúng, hay la rầy khi cho ăn vì quá thương và xót con, sợ con không lớn….
      • Sự nuông chiều thái quá cũng có thể làm trẻ biếng ăn. Trẻ luôn biết “vị trí” của mình trong gia đình, và luôn muốn “làm trung tâm của vũ trụ”, trẻ biết rằng: “nếu mình khỏe mạnh bình thường thì mỗi người một việc, chẳng ai quan tâm tới mình. Nhưng nếu mình bệnh hay ăn ít là thế nào cả nhà cũng tập trung xung quanh”; hoặc trẻ cũng biết rằng nếu muốn có 1 món quà thì mình ăn ít đi và bố mẹ sẽ hứa cho mình món quà đó nếu mình ăn hết suất”.. Vì thế trẻ sẽ ăn ít đi để “yêu sách” cha mẹ chúng.
      • Giải quyết: cha mẹ phải gần gũi tạo cho trẻ cảm giác được sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Đặc biệt là người mẹ, vì trẻ luôn cần đến người mẹ như là 1 “sợi dây rốn” ngay cả khi đã trưởng thành. Vì vậy bà mẹ phải luôn học cách hiểu con, cách nuôi và chăm sóc con sao cho đúng nhất, tránh những tổn thương không đáng có cho trẻ.
      • Cách nuôi dưỡng và chăm sóc đúng là phải biết cách tập cho trẻ “biết cách ăn”, “ăn trong sự tự giác”, “ăn đúng nơi, đúng lúc”… Không hù dọa hay nịnh nọt thái quá khi cho trẻ ăn, tôn trọng sở thích và tình cảm của trẻ nhưng không vượt quá phạm trù đạo đức và an toàn cho trẻ.

      Biếng ăn bệnh lý (Bệnh biếng ăn)

      Hay còn gọi là biếng ăn thần kinh, là hiện tượng biếng ăn không liên quan tới bất cứ 1 một nguyên nhân nào kể trên

      Nguyên nhân

      Hiện tại nguyên nhân chứng bệnh này chưa rõ, có nhiều giả thuyết như

      • Trẻ bị tổn thương trung tâm no – đói ở não
      • Hệ thống điều hòa nội tiết – thần kinh làm trẻ không có cảm giác đói.
      • Trẻ bị một tổn thương thần kinh gây nên cái nhìn lệch lạc về hình thức của mình, tức là trẻ luôn cho mình là bị “thừa cân” dù thực tế trẻ rất thiếu cân. Từ đó trẻ nhịn ăn lâu ngày dẫn tới rối loạn cảm giác và không thể ăn được nữa.
      • Trẻ có 1 kỉ niệm đáng sợ về bữa ăn: sặc, dị ứng, bị bạo hành khi ăn, ép ăn quá sức….

      Đặc điểm của bệnh

      Đặc điểm của bệnh này thường ở trẻ vị thành niên, ngoài chuyện biếng ăn còn kèm theo các triệu chứng khác như

      • Suy dinh dưỡng
      • Rối loạn nội môi
      • Có những cảm nhận bất thường về hình dáng
      • Có những quan điểm xã hội khác với chuẩn mực thông thường
      • Có những “kỉ niệm” đáng sợ về ăn uống…

      Giải quyết

      Cần có sự kết hợp của nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau như: nội tiết, thần kinh, tâm thần, dinh dưỡng…..

      1. Trẻ biếng ăn bí quyết giúp trẻ vượt qua – BSCKII Nguyễn Thị Hoa nguyên trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1.