Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      TẤT TẦN TẬT VỀ CO GIẬT DO SỐT PHỤ HUYNH CẦN BIẾT

      Trang Chủ » Bệnh Truyền Nhiễm » TẤT TẦN TẬT VỀ CO GIẬT DO SỐT PHỤ HUYNH CẦN BIẾT

      Tác giả: Trần Công28/07/2020

      Bác Sĩ Nhi Khoa Trần Công – Phòng Khám NHi Sunshine 3A Điện Biên Phủ

      Phụ huynh: Có phải cứ sốt cao mà không hạ sốt trẻ sẽ bị co giật không bác sĩ ?

      MD: không đúng, chỉ 3 % số trẻ có sốt bị co giật, thường là những trẻ có cha hay mẹ ngày xưa cũng giật do sốt.

      Phụ Huynh: thường sốt lên bao nhiêu độ thì trẻ có sẽ co giật ?

      MD: Không có con số cụ thể, về mặt lí thuyết cứ trên 38 độ C thì một trẻ có cơ địa có thể bị co giật rồi, cái này thì tùy ngưỡng co giật của mỗi bé. Tuy nhiên trong thực tế đa số những cơn co giật do sốt thường xuất hiện khi trẻ sốt trên 39 độ C. 25 % giật khi nhiệt độ chỉ 38- 39 độ C.

      Phụ Huynh: Những trẻ nào thì dễ bị giật bác sĩ ?

      MD: Câu hỏi này là đang hỏi về yếu tố nguy cơ co giật lành tính do sốt. Nhìn chung những trẻ sau dễ bị co giật:

      • Tuổi: co giật lành tính do sốt xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. đặc biệt là trẻ em trong giai đoạn 12- 18 tháng tuổi.
      • Yếu tố gia đình: trong số cha mẹ và anh em ruột của trẻ bị co giật do sốt có 10- 20 % số đó cũng đã từng bị co giật do sốt.
      • Mức độ sốt cao: trị số nhiệt độ trung bình trong 1 nghiên cứu ở 110 trẻ bị co giật là 104 độ F (40.2 độ C) 1 số trẻ có thể giật ở ngưỡng thấp hơn hoặc cao hơn.
      • Loại nhiễm trùng: sốt do nhiễm siêu vi thì dễ bị co giật hơn là vi khuẩn, đặc biệt là nhiễm HHV6 và cúm.
      • Tiêm ngừa: Có 1 số loại vaccine làm gia tăng nguy cơ co giật. Chẳng hạn bạch hầu- ho gà( toàn tế bào ) – uốn ván thì có liên quan tới gia tăng nguy cơ co giật 6-9 ca/ 100.000 trẻ. Bạch hầu- ho gà( vô bào ) – uốn ván con số là 3-6/100. 000 trẻ. Vaccine sởi- quai bị- rubella cũng có liên quan tới việc gia tăng yếu tố nguy cơ.
      • Phụ nữ có thai phơi nhiễm với nicotin (thuốc lá) trước sinh cũng làm gia tăng nguy cơ co giật cho con sau này. ngoài ra trẻ thiếu máu thiếu sắt, trẻ mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, suyễn… cũng dễ bị co giật hơn trẻ khác.

      Phụ Huynh: Vậy có nên chích ngừa các vaccine trên không?

      MD: không phải nên hay không nên, mà là phải chích. Như bạn thấy xác suất xảy ra co giật là rất nhỏ. Lợi ích phòng ngừa bệnh tật của những vaccine này là rất lớn. Những bệnh ngừa được do những vaccine này toàn là bệnh nguy hiểm có thể gây chết người và lây lan rất dữ, hơn nữa co giật do sốt là lành tính. một bên là lợi ích rất lớn, 1 bên là nguy cơ rất nhỏ ta phải chọn bên lợi ích chứ.

      Phụ huynh: Ngoài sốt ra thì còn những bệnh gì gây co giật nữa không bác sĩ ?

      MD: có rất nhiều bệnh có thể gây ra co giật như:

      • Bất kì tổn thương nào của não: chấn thương, nhiễm trùng, tai biến, u não thiếu oxy não….
      • Rối loạn các chất trong máu: hạ canxi, mất muối….
      • Động kinh
      • Hạ đường huyết……

      Phụ Huynh: vậy khi con đang bị sốt mà xuất hiện co giật , làm sao để biết co giật đó là do sốt cao hay do những bệnh trên?

      MD: việc xác định nguyên nhân gây co giật là của bác sĩ. Khi trẻ xuất hiện co giật, điều quan trọng là cha mẹ phải xử lí đùng trong cơn. Sau đó cho trẻ đi khám ngay để bác sĩ xác định nguyên nhân gây co giật. Không được chủ quan đây alf sốt giật lành tính mà không đem đi khám. rất dễ bỏ sót những bệnh lí nguy hiểm tiềm ẩn. Ví dụ nhiễm trùng não- màng não vừa gây sốt , vừa gây giật. Nếu chủ quan có thể bỏ sót gây hậu quả nghiêm trọng.

      Phụ Huynh: Vậy khi trẻ lên cơn co giật , tôi phải làm gì ?

      MD: phải bình tĩnh, để yên trẻ ở vị trị mà trẻ ngã xuống , dẹp hết đồ đạc xung quanh để lấy không gian thoáng, không bu nhiều người vào làm gì cả, nghiêng người trẻ qua 1 bên (bên nào cũng được, nhưng bên trái tốt hơn), nghiêng người là để đàm nhớt chảy ra tránh cho trẻ hít sặc vào đường thở, lau chùi đàm nhớt cho trẻ, nới rộng áo quần nếu trẻ mặc chật chội, nhìn đồng hồ và chờ bé qua cơn co giật. Sau cơn trẻ thường mềm người ra, ngủ thiếp đi một lúc sau đó tỉnh dậy chơi bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Sau cơn giật cần đem con tới cho bác sĩ khám ngay. nếu cơn giật kéo dài quá 5 phút không hết cần gọi xe cấp cứu ngay. Thật may đa số giật do sốt chỉ kéo dài 1-5 phút. Không được ôm ghìm người bé, không được đưa bất cứ thứ gì vào miệng bé.

      Phụ huynh: khi trẻ bị co giật , có cần phải hạ sốt ngay không?

      MD: Thuốc hạ sốt thì phải tầm 30 phút sau mới có tác dụng trong khi cơn giật chỉ kéo dài vài phút. do đó không cần thiết pahir vội vàng cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ đang co giật. Hơn nữa trong cơn giật trẻ cắn răng không thể uống được, 1 số trẻ thì bị són phân ra cũng không thể đặt hậu môn viên hạ sốt. Do đó việc hạ sốt cho bé không gấp.

      Phụ Huynh: Khi trẻ bắt đầu sốt, nếu tôi cho bé uống thuốc hạ sốt ngay và cứ 4-6 tiếng một lần liệu có ngăn được cơn giật không?

      MD: không, các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc cho thuốc hạ sốt liên tục ngay khi mới chớm sốt cũng không ngăn được cơn giật xảy ra. Có giật hay không phụ thuộc vào cơ địa em bé, độc lực vi trùng và thể trạng của bé trong đợt bệnh. Bạn cứ xử trí sốt giống như những em bé bình thường khác. Mặt khác nếu bạn dùng thuốc hạ sốt liên tục chắc chắn đợt bệnh của bé sẽ kéo dài hơn.

      Phụ Huynh: Có phải trẻ đã bị giật 1 lần thì sau này dễ bị giật lại không bác sĩ ?

      MD: đúng, 30 – 35 % số trẻ đã giật do sốt lần đầu sẽ tái phát các lần tiếp theo. Nếu trẻ giật lần đầu lúc dưới 1 tuổi thì 50 – 65 % trẻ sẽ tái phát. Nếu cơn giật lần đầu xảy ra khi trẻ đã trên 1 tuổi thì khả ăng tái phát là 20 %.

      Phụ huynh: có thuốc nào uống để ngừa cơn co giật không bác sĩ.

      MD: 1 số loại thuốc ức chế thần kinh như: gardenal , seduxen… có thể làm giảm nguy cơ tái phát giật. Tuy nhiên vì tác dụng phụ của chúng quá nhiều và tính chất lành tính của giật do sốt cho nên viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kì và các tổ chức uy tín khác khuyến cáo không nên dùng cho trẻ.

      Làm cha mẹ cũng phải học dữ lắm, chúng tôi sẽ giúp bạn.

      Phụ huynh: Một số em bé sốt giật sau này thấy chúng nó bị bện thần kinh , ngu ngơ là sao bác sĩ?

      MD: Có thể những bé đó co giật không phải do sốt mà là do bệnh khác như nhiễm trung hệ thần kinh chẳng hạn, nhưng không được phát hiện điều trị kịp thời nên để lại di chứng. Vì vậy tôi mới nói bất kì cơn co giật nào cũng phải được đánh giá bởi bác sĩ.

      Phụ huynh: co giật do sốt này có dẫn tới động kinh không bác sĩ?

      MD: Động kinh sau này xuất hiện nhiều hơn ở những trẻ bị co giật do sốt so với dân số bình thường khác. Với 1 đứa trẻ khỏe mạnh bị sốt co giật đơn giản thì yếu tố nguy cơ của bệnh động kinh xấp xỉ 1-2 %, chỉ cao hơn chút đỉnh so với dân số chung. Đối với những trẻ bị sốt co giật phức tạp, có tiền sử bệnh bất thường hoặc tiền căn gia đình có người động kinh thì nguy cơ bị động kinh sau này là 5- 10%. Ở đây tôi nhấn mạnh là chữ NGUY CƠ, chứ liệu cơn co giật do sốt gây ra động kinh hay không thì không chắc chắn – nhưng sự liên quan có thể có.

      Phụ Huynh: bác sĩ mới nhắc đến co giật do sốt phức tạp , nó là như thế nào vậy?

      MD: vẫn là co giật do sốt, nhưng cơn giật kéo dài hơn (quá 15 phút), co giật khu trú 1 bộ phận nào đó của cơ thể, hoặc co giât tái phát trong vòng 24 giờ đầu kể từ cơn giật đầu tiên. cơn giật phức tạp chiếm 20 % tổng số cơn giật do sốt. Cơn giật phức tạp cần nhập viện theo dõi vì có thể nhầm lẫn với bệnh lý thần kinh.