Phòng Khám Nhi Sunshine

Save Vietnamese Children

Hotline:

028.9995.8679

Hotline:

028.9995.8679

ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.







    ĐĂNG KÝ HẸN KHÁM









      *Vui lòng kiểm tra kỹ về Địa điểm phòng khám, Khoa khám bệnh, Bác sĩ, Ngày khám, Giờ khám trước khi thực hiện bước tiếp theo.


      CHĂM SÓC RỐN BÉ SƠ SINH- TẮM BÉ KHI CHƯA RỤNG RỐN

      Trang Chủ » Bác Sĩ Nhi Khoa Lưu Hồng Vân » CHĂM SÓC RỐN BÉ SƠ SINH- TẮM BÉ KHI CHƯA RỤNG RỐN

      Tác giả: Admin19/06/2020

      ( BS LƯU HỒNG VÂN- PK Nhi khoa Sunshine )

       

      Dây rốn là nơi kết nối thai nhi với bánh nhau, giúp bào thai được cung cấp chất dinh dưỡng và oxy từ người mẹ khi còn trong tử cung. Khi bé chào đời, bác sĩ đỡ sinh sẽ cắt dây rốn này, mẹ và bé bây giờ là hai cá thể độc lập, bé sẽ học cách tự thở, tự ăn chứ không nhờ hoàn toàn đến mẹ như thời kỳ bào thai nữa. Cuống rốn là phần còn lại sau khi dây rốn đã được cắt. Phần cuống rốn này vẫn còn kết nối với bụng bé, nên cha mẹ cần cẩn thận trong việc chăm sóc rốn và vùng da xung quanh.

       

      Cách tốt nhất để chăm sóc rốn bé là giữ rốn khô sạch cho đến khi nó tự rụng. Dây rốn sẽ thay đổi hình dạng từ màu trắng sáng, hơi ướt trong 1-2 ngày đầu sang tối màu, khô, teo lại dần trong những ngày kế tiếp và tự rụng trong vòng 1 đến 3 tuần sau khi sinh. Nên để rốn tiếp xúc  không khí tự nhiên bên ngoài. Khi cuống rốn đã khô hoàn toàn thì dây rốn sẽ tự rụng.

      *Khi rốn chưa rụng:

      • Không bao giờ giật dây rốn để rốn mau rụng vì sẽ gây đau hay nhiễm trùng cho bé.
      • Lật tã của bé xuống thấp hơn rốn, tránh để tã đè vào vùng rốn chưa rụng.
      • Mặc quần áo sạch, rộng rãi  bằng cotton. Tránh quần áo bó chặt vào rốn bé.
      • Nếu rốn bị ướt, hãy lau khô bằng khăn sữa sạch. Bạn cũng có thể dùng tăm bông để lau khô, nhưng tránh lực mạnh sẽ làm bé đau hoặc làm rụng rốn sớm hơn thời hạn “tự nhiên”- trái chín tự nhiên luôn luôn tốt hơn bị “chín ép”.

      Khi tắm, tránh nước vào rốn.

      • Trải khăn khô sạch trên sàn/bàn thay tã, ở nơi ấm áp trong nhà
      • Cho bé nằm trên khăn. Cởi quần áo từ từ khi bạn lau đến, chỉ để lộ vùng đang làm vệ sinh.
      • Nước dùng cho bé cần ấm- nên thử nhiệt độ nước bằng khuỷu tay hoặc cổ tay. Nhiệt độ nước khoảng 37-38C, bằng với nhiệt độ cơ thể bé.
      • Làm ướt khăn lau người bé, vắt ráo trước khi lau người bé
      • Lau mặt, mắt, mũi, miệng, da bé nhẹ nhàng, lau kỹ các nếp gấp.
      • Gội đầu nhanh cho bé. Lau khô da đầu ngay sau khi gội.
      • Rửa vùng sinh dục và hậu môn cho bé.
      • Vỗ một cách nhẹ nhàng cho da bé khô. Không chà xát mạnh sẽ gây kích ứng làn da mỏng manh của bé.
      • Mặc quần áo bằng cotton thoáng mát, tránh bó sát vùng rốn, cũng không quấn lỏng quá.
      • Không băng rốn bé sau khi tắm
      • Nói chuyện với bé khi tắm sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn và quen dần với giọng nói của ba mẹ, quen với việc lắng nghe ba mẹ và hiểu dần những gì bạn nói.

      *Khi rốn đã rụng, tắm bé bình thường. Có thể chảy máu một chút hoặc có một cái mài nhỏ như một vết thương đang lành. Không cần quá kiêng cử đến nỗi tránh đụng chạm đến rốn hay chăm sóc rốn kỹ hơn so với các vị trí khác trong cơ thể.

      Đưa bé đến gặp BS nếu sau 3 tuần rốn vẫn còn chưa rụng vì có thể có những vấn đề tiềm ẩn. Trong thời gian đó, lưu ý những vấn đề nhiễm trùng hay những bất thường nếu thấy để đến BS sớm hơn.

      Những dấu hiệu cần khám:

      • Thoát vị rốn: là tình trạng ruột và các mô mỡ thoát ra khỏi lớp cơ bụng, chui vào rốn tạo thành một khối phồng tại vùng rốn. Khối phồng sẽ to hơn khi bé khóc hoặc vặn người, nhỏ lại khi bé nằm yên. Tuy nhiên, thoát vị rốn thường không gây đau, và thường tự lành sau 1-2 năm. Hiếm gặp, khối thoát vị bị nghẹt gây đau làm trẻ quấy khóc nhiều, nôn ói, cần đưa bé đến BS để kiểm tra ngay.
      • U hạt rốn: là khối mô đỏ, không đau, nhưng có thể gây rỉ dịch rốn kéo dài. Có thể xuất hiện vài tuần sau khi rốn đã rụng. U hạt này không có nguyên nhân do vệ sinh kém. BS sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị và chăm sóc rốn cho bé.
      • Biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm hơn nhiều và có thể đe dọa tính mạng là nhiễm trùng rốn. Do đó, khi thấy rốn bé có những dấu hiệu: có mủ, rốn đỏ, chảy máu, có mùi hôi, sưng vùng da quanh rốn, bé cần đến gặp BS ngay.